Cây cơm cháy là một loại cây thường mọc hoang ở miền núi, ven suối, triền đồi,… và được biết đến là một vị thuốc vô cùng hữu dụng đã được các chuyên gia y tế kiểm chứng.
Cây cơm cháy còn có nhiều tên gọi khác như là cây sóc địch, cây thuốc mọi, cây tiếp cốt thảo… Cây Cơm cháy tên khoa học là Sambucus javanica Reinw,thuộc họ Cơm cháy (Caprifoliaceae).
Đặc điểm của cây cơm cháy
Cây thường mọc thành bụi lớn, tốc độ phát triển nhanh và chiều cao có thể đạt đến 3m. Thân cây xốp, nhẵn, màu xám-nâu nhạt. Cành to bên trong rỗng có chứa chất trắng xốp như tủy, ngoài mặt có nhiều lỗ bì. Lá kép mềm gồm 5-7 lá hình soan hay mũi giáo mọc đối nhau, viền ngoài lá có khía răng cưa, có mùi hăng khó chịu. Hoa nhỏ màu trắng mọc thành chùm, có mùi thơm nhẹ, tạo thành một tán rất đẹp mắt. Quả mọng, hình cầu màu đỏ rồi chuyển sang đen bóng, mọc từ một cuống màu đỏ, quả có chứa 3 hạt dẹt.
Cây chủ yếu mọc hoang ở miền núi, ven suối, bờ khe từ Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái tới Lâm Đồng. Hiện nay nhiều người yêu thích loại cây này cũng trồng làm cảnh hoặc trồng làm cây thuốc. Cây được nhân giống bằng hạt hoặc giâm cành, mùa thích hợp nhất cho việc nhân giống là mùa xuân. Mùa thu hoạch để làm nguyên liệu thuốc cho chất lượng nhất là vào mùa hè – thu, thu hoạch cả cây sau đó rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, thành phần hóa học của cây cơm cháy gồm có: A-amyrin galmitate, acid ursol, stigmasterol, camposterol, tanin… Các bác sỹ thường dùng cây cơm cháy đề làm thuốc chữa lợi tiểu, ra mồ hôi, nhuận tràng, thấp khớp, ngứa, eczema. Đặc biệt, cây cơm cháy là vị thuốc rất tốt cho phụ nữ sau sinh.
Một số bài thuốc dân gian từ cây cơm cháy:
Chữa đau nhức: Mùa lạnh dùng rễ (giã nát), còn mùa nóng thì dùng cành lá, sao lên cho nóng, xoa và đắp lên rốn bệnh nhân; đồng thời dùng lá cây cơm cháy, hun nóng, rải lên chiếu cho bệnh nhân nằm.
Chữa gãy xương: Dùng vỏ rễ và lá cây cơm cháy, giã nát đắp vào chỗ xương gãy rồi băng lại cho cố định.
Chữa bị đánh, bong gân sưng đau: Dùng lá cây cơm cháy cắt nhỏ, giã nát cùng với mấy củ hành để liền cả rễ và bã rượu, đắp vào chỗ đau rồi băng lại, mỗi ngày thay thuốc một lần.
Chữa bị ngã, chấn thương thổ ra huyết: Dùng rễ cây cơm cháy, trắc bách diệp, mỗi thứ 9g, địa du 12g, sắc nước uống .
Chữa phong thấp khớp xương sưng đau: Dùng rễ cây cơm cháy 20 – 30 g sắc nước uống trong ngày; đồng thời nấu lấy nước đặc rửa chỗ đau.
Tuy là cây thuốc dân gian rất hữu dụng đã được khoa học kiểm chứng nhưng khi sử dụng người dùng vẫn rất cần thiết phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế.
Hãy sở hữu vị thuốc quí ngay trong khu vườn nhà bạn, bạn sẽ thấy cây cơm cháy cực kỳ hữu dụng cho sức khỏe của bạn và những người thân yêu.