Cách trồng cây mít quả dài
Đất trồng:
Mít quả dài có thể sống tốt ở môi trường đất khác nhau. Thế nhưng để giúp cây sinh trưởng một cách nhanh nhất thì nên trồng ở đất phù sa, giàu chất dinh dưỡng, tơi xốp và thoát nước tốt.
Nếu bạn trồng ở đất bằng thì phải đắp mô cao khoảng 40 – 70cm. Tạo rãnh sâu để thoát nước vào mùa mưa khoảng 30 – 40cm. Hố trồng có kích thước khoảng 40x40x40cm.
Nếu trồng cây mít dài ở đất dốc khoảng 5%thì không cần đắp mô và đào rãnh. Hố trồng cũng được đào với kích thước khoảng 40x40x40cm.
Nếu trồng mít ở đất có độ dốc khoảng 7% thì nên đào hố trồng với chiều dài và chiều ngang là 40×40, độ sâu của hố khoảng 60cm.
Tiến hành trộn đất trồng với phân chuồng hoai mục, xơ dừa, phân lân, vôi để làm phân bón lót cho cây. Hố và phân bón lót nên được chuẩn bị trước khi trồng cây khoảng 1 tháng.
Mật độ trồng cây: Trồng mỗi cây cách nhau khoảng 5 – 7m, tùy thuộc vào đất bạn trồng mà trồng dày hay trồng thưa. Nếu đất trồng là đất cằn cỗi thì nên trồng dày, đất giàu chất dinh dưỡng thì nên trồng thưa. Hiện nay, theo một số nhà vườn thì người ta hay trồng dày để tăng sản lượng lên.
Giống cây trồng: Khi mua cây giống nên chọn cây khỏe mạnh, không sâu bệnh, cây có bộ lá xanh tốt. Gốc cây có đường kính khoảng 0,8cm, thân cây cao tối thiểu khoảng 50cm.
Thời vụ trồng: Bạn muốn trồng cây mít vào thời điểm nào cũng được, nhưng tốt nhất vẫn là đầu mùa mưa để không tốn thời gian cũng như công sức chăm sóc cây. Khi trồng nên trồng cây vào lúc sáng sớm hay chiều mát, tránh không được trồng cây vào lúc trời nắng gắt sẽ làm cây con mất nước rất nhanh.
Trồng cây mít quả dài: Đào hố ở chính giữa hố trồng. Rạch bỏ túi bầu qaunh bầu đất. Đặt cây con đứng thẳng sao cho mặt bầu đất thấp hơn mặt hố khoảng 5cm. Vun đất xuống rồi nén chặt đất quanh gốc. Dùng cọc tre để cố định thân cây không bị đổ. Tưới đẫm nước giúp bộ rễ phát triển tốt. Phủ một ít rơm hay cỏ lên gốc để giữ ẩm cho cây.
Chăm sóc cây mít quả dài
Khi mới trồng cây nên thường xuyên tưới nước cho cây. Sau đó, tùy thuộc vào thời tiết mà tưới nước cho hợp lý. Nếu vào mùa khô thì tăng lượng nước tưới lên, mỗi ngày nên tưới 1 lần nước cho cây. Vào mùa mưa có thể không cần tưới nhưng không được để cây bị úng nước.
Làm sạch cỏ dại xung quanh gốc cây để giúp hạn chế mầm bệnh, gốc cây được thông thoáng, cây có thêm nhiều dưỡng chất. Dùng cỏ dại để ủ gốc cây nhằm giúp cây không bị thoát hơi nước nhanh.
Mỗi năm chia làm 3 lần vun gốc, xới xáo đất quanh gốc. Chỉ nên xới xáo đất vào hai năm đầu mới trồng cây, năm đầu xới đất cách gốc khoảng 40cm, năm thứ hai thì cách gốc một khoảng 50cm. Sang năm thứ 3 trở đi thì không cần xới xáo đất mà chỉ cần làm sạch cỏ dại.
Bón phân nhằm mục đích giúp cây có thêm dưỡng chất để sinh trưởng một cách tốt nhất. Vào thời kỳ cây cho hoa, đậu quả hay sau mỗi lần thu hoạch quả cần tăng thêm lượng phân bón cho cây. Dùng phân bón hữu cơ, phân trùn quế, tro trấu…để bón cho cây. Đào rãnh quanh gốc cây rồi cho phân bón vào. Lấp đất xuống ròi tưới nước.
Thu hoạch mít quả dài
Khi mít có gai dãn nở, màu quả chuyển sang màu xanh vàng hay màu nâu nhạt, vỗ mít có tiếng kêu bồm bộp, có mùi thơm nức tức là mít đã chín. Dùng dao chuyên dụng để cắt mít, khi cắt nên có người đỡ bên dưới để tránh mít bị rơi bị dập. Bảo quản mít ở nơi khô thoáng để giữ được lâu.